Tại sao trẻ nhiễm siêu vi
Do hệ thống miễn dịch còn non yếu nên trẻ em thường dễ mắc bệnh truyền nhiễm hơn người lớn. Hầu hết nguyên nhân gây bệnh ở trẻ em thường do virus. Tuy nhiên làm sao để có thể phân biệt được trẻ đang bị nhiễm vi khuẩn hay virus là một chuyện hoàn toàn không đơn giản. Chính vì thể nhiều người thường có khuynh hướng dùng kháng sinh khi trẻ mắc bệnh.Điều này rất nguy hiểm vì không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ mà còn làm gia tăng khả năng tạo vi khuẩn kháng thuốc trong cộng đồng.
ThS-BS Phạm Đình Nguyên- Bệnh viện Nhi Đồng 1
Siêu vi là gì?
Vi khuẩn là một nhóm vi sinh vật có kích thước rất nhỏ mà mắt thường không thể nhìn thấy được. Vi khuẩn có thể tồn tại trong môi trường hay trong cơ thể của các sinh vật và con người để gây hại hay tạo ra những hoạt động có lợi. Khác với vi khuẩn, virus có cấu trúc đơn giản và kích thước nhỏ hơn rất nhiều. Chúng không thể sống được ở bên ngoài lâu mà phải xâm nhập vào cơ thể của động vật hay con người, sử dụng nguyên liệu của các ký chủ này để phát triển, sinh sôi và gây bệnh. Có hàng trăm loại virus và nhiều loại virus khác nhau có thể gây bệnh với những triệu chứng giống nhau.
Trẻ em bị lây nhiễm như thế nào
Ngoại trừ một số loại virus lây truyền qua đường máu, tiêm chích, truyền máu, tình dục hay mẹ truyền qua con lúc sinh. Hầu hết virus truyền từ người này sang người khác thông dịch tiết được bắn ra khi nói chuyện, ho, hắt hơi, sổ mũi. Theo phương thức này virus rất dễ lây lan và bùng phát thành dịch một cách nhanh chóng. Trẻ em thường bị lây nhiễm khi tiếp xúc với những người xung quanh, bạn bè, cô bảo mẫu bị mắc bệnh hay cầm nắm đồ chơi hay những vật dụng ở nơi công cộng như tay nắm cửa, thanh vịn của cao thang bị vấy bẩn dịch tiết có chứa virus gây bệnh.
Trong những năm đầu đời, một đứa trẻ có sức đề kháng bình thường có thể bị nhiễm siêu vi từ 6-10 lần mỗi năm. Điều này làm cho các bà mẹ lo lắng vì nghĩ rằng con mình sức khỏe quá kém, ngày nào cũng bệnh. May mắn thay, những năm tiếp theo, số lần mắc bệnh sẽ giảm đi do hệ thống miễn dịch của bé ngày càng hoàn thiện hơn.
Nhiều gia đình quyết định giữ con ở nhà thay vì đưa bé đến nhà trẻ hay mẫu giáo vì sợ cháu sẽ bị lây bệnh. Có thể đây là điều nên làm khi đang có dịch bệnh xảy ra. Nhưng bình thường hãy cố gắng gạt bỏ lo lắng này để đưa trẻ đến lớp khi đến tuổi đi học. Giống như học võ thuật, khi mới tập người sẽ bầm tím, đau nhức, ê ẩm nhưng qua một thời gian cơ thể sẽ cứng cáp và vững chải hơn rất nhiều. Ngoài việc giúp trẻ hoàn thiện khả năng tự lập, hòa đồng với tập thể và phát triển trí óc, khi tiếp xúc với bạn bè, thầy cô và những người xung quanh cũng như tiếp xúc với môi trường có chứa một số tác nhân gây bệnh nhất định sẽ giúp cho hệ thống miễn dịch của trẻ được “tập trận” mỗi ngày để trở thành “chiến binh vĩ đại” bảo vệ trẻ khi có vi khuẩn hay virus gây bệnh xâm nhập vào cơ thể.Đây cũng là cơ chế hoạt động của các loại vaccine phòng ngừa bệnh.
Bệnh nào do virus, bệnh nào do vi khuẩn
Sốt, ho, sổ mũi, ói mữa, đau bụng, tiêu chảy là những vấn đề thường gặp nhất ở trẻ em. Những triệu chứng này có thể gặp trong một số bệnh lý do vi khuẩn gây ra như viêm mũi xoang, viêm tai giữa cấp, một vài dạng viêm họng, viêm phế quản, nhiễm trùng đường ruột… Nhưng những nghiên cứu gần đây đều chỉ ra virus là tác nhân chủ yếu gây ra tất cả những vấn đề này.
Những biểu hiện thường gặp
Bên cạnh những biểu hiện chung của tình trạng nhiễm siêu vi như sốt ( sốt có thể nhẹ hoặc rất cao), ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, chán ăn, quấy khóc, đau nhức người ... tùy theo tác nhân gây bệnh bé sẽ có thêm một số dấu hiệu đặc trưng khác như chảy nước mắt, đỏ mắt, mắt có ghèn và nhạy cảm với ánh sáng, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, có chấm xuất huyết trên da, nổi ban hay bóng nước…Ban do siêu vi thường xuất hiện sau khi sốt đã giảm và ở giai đoạn trẻ bắt đầu hồi phục.
Chăm sóc và điều trị
Hầu hết các trường hợp nhiễm siêu vi đều diễn tiến tốt và trẻ sẽ hồi phục sau vài ngày nếu được nghỉ ngơi, chăm sóc và cung cấp chế độ ăn hợp lý giàu năng lượng.
Kháng sinh không hiệu qủa khi tác nhân gây bệnh là siêu vi. Vì vậy đừng tùy tiện cho bé sử dụng kháng sinh vì điều này không chỉ làm hao tốn tiền bạc, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mà còn gia tăng nguy cơ tạo ra những chủng vi khuẩn kháng thuốc nguy hiểm trong cộng đồng.
Để tránh tình trạng mất nước hãy khuyến khích trẻ uống nước nhưng không nên cho trẻ uống một lần quá nhiều. Hãy cho trẻ uống từng ngụm nhỏ nước lọc, nước oresol, nước trái cây hay sữa mát lạnh mỗi 15 phút để cung cấp đầy đủ nước, làm ẩm và làm dịu cơn đau rát ở vùng hầu họng giúp trẻ dễ nuốt hơn và ít bị nôn ói. Bạn có thể yên tâm khi làm điều này bởi lẽ nước đã được làm mát sẽ không làm cho tình trạng viêm họng trở nên trầm trọng hơn.
Không cần thiết phải kiêng cữ quá độ, bé cần phải được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để bù lại năng lượng bị thiếu hụt khi ốm. Vì vậy hãy cho bé ăn uống nhiều bữa trong ngày bằng các thức ăn dầu năng lượng, dễ tiêu hóa, mềm, lõng, nguội. Có thể bổ sung thêm một số vitamin và khoáng chất có trong Growsure, Kiddy Pharmaton, Appeton...
Dùng nước muối sinh lý NaCl 0.9% để làm sạch ghèn đóng ở mắt và dịch ứ đọng ở mũi. Sử dụng nước muối để trong ngăn mát của tủ lạnh nhỏ mũi là phương pháp giúp trẻ có thể giảm ngạt mũi an toàn và hiệu quả.
Đối với trẻ trên 1 tuổi, có thề dùng tắc chưng mật ong hay một vài loại thuốc ho thảo dược để làm dịu cơn ho của bé. Tuy nhiên khi mua những loại thuốc ho này tại hiệu thuốc cần hỏi ý kiến của dược sĩ để lựa chọn loại phù hợp với lứa tuổi và cần sử dụng không vượt quá liều lượng đã được khuyến cáo trên sản phẩm.
Khi trẻ sốt, bên cạnh việc dùng các loại thuốc hạ sốt thông thường như Paracetamol ( 10-15mg/kg/ lần mỗi 4-6 giờ), Ibuprofen ( 5-10mg/kg/lần mỗi 4-6 giờ) hãy lau mát cho trẻ tại các vị trí như trán, nách, bẹn bằng nước ấm để giúp hạ nhiệt nhanh hơn. Mặc dù Aspirin giảm đau và hạ sốt rất hiệu quả nhưng tuyệt đối không nên cho trẻ sử dụng thuốc này khi bị nhiễm siêu vi vì sẽ làm cho tình trạng bệnh nặng hơn do tổn thương gan, não.
Trẻ thường hồi phục trong vòng 7-10 ngày tuy nhiên cảm giác mệt mỏi và ho có thề kéo dài đến vài tuần sau đó.
Nếu sức đề kháng kém, trẻ có thể bị nhiễm khuẩn khi đang nhiễm hay sau nhiễm virus với biểu hiện là các triệu chứng không chấm dứt sau một tuần hay trở nên trầm trọng hơn. Lúc này hãy đưa trẻ đến bác sĩ để được điều trị thích hợp. Kháng sinh sẽ cần thiết trong trường hợp này.
Gọi 115 khi nào
Trẻ cần được đưa đến bệnh viện ngay nếu sốt cao liên tục 3 ngày;trẻ dưới 2 tháng tuổi;có bệnh lý mạn tính như tim mạch, hen suyển kèm theo; đau bụng ngày càng tăng;nôn ói, tiêu chảy quá nhiều;nhức đầu dữ dội, cứng cổ;bứt rứt;quấy khóc, li bì khó đánh thức;khó thở, tím tái;chảy máu mũi, chảy máu răng, ói ra máu hoặc đi cầu có máu…
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Cho bé ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để giúp bé có sức đề kháng tốt với bệnh tật.
Cho bé chích ngừa đầy đủ theo chương trình chuẩn Quốc gia và tham khảo ý kiến bác sĩ để chủng ngừa thêm cho bé một số vaccin cần thiết khác như. Ngay cả khi chích ngừa đầy đủ bé vẫn có khả năng bị cúm nhưng do cơ thể đã được “ tập luyện” trước nên bệnh thường nhẹ hơn và nhanh chóng hồi phục hơn so với trẻ không được chích ngừa.
Thường xuyên rửa tay sạch sẽ và khuyến khích trẻ cùng làm như vậy nhất là những khi vừa từ nơi công cộng về nhà. Tập cho trẻ cách dùng khăn giấy và dùng tay che miệng khi hắt xì, sổ mũi, ho.
Tránh cho trẻ đến trang trại, chợ búa hay những nơi đông người khi dịch bệnh đang lưu hành.